Follow us

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Đồ dùng dạy học công nghệ cao: Tiền tỉ “đắp chiếu”


Ông Dương Văn Tuấn, phó Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Gia Lai, cho biết kết quả khảo sát mới đây của đơn vị này cho thấy nhiều đồ dùng học tập đắt tiền được đưa về các trường nhưng chưa được sử dụng, nhiều trường học đầu tư các trang thiết bị không phù hợp. Khoản tiền đầu tư cho hệ thống này không hề nhỏ. Trong đó đáng chú ý là bộ thiết bị phòng lab học ngoại ngữ, màn hình thông minh...
“Thiết bị quá hiện đại”
Kinh phí từ ngân sách hằng năm
Ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, cho biết nguồn kinh phí trên 180 tỉ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị trường học được lấy từ khoản chi hằng năm của tỉnh Gia Lai.
Cụ thể: 20% tổng ngân sách chi hằng năm của tỉnh Gia Lai được phân bổ cho ngành giáo dục của tỉnh, trong khoản này 80% được dùng để chi lương, 20% còn lại dùng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học và các khoản khác.
Sau hơn sáu tháng từ khi hệ thống màn hình thông minh kết hợp với phòng lab phục vụ dạy học tiếng Anh được đưa về lắp đặt, toàn bộ hệ thống này vẫn chưa được sử dụng cho một buổi học nào tại Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Ngày 20-8, khi giáo viên trường này mở khóa để chúng tôi vào bên trong phòng lab thì căn phòng tối om, mùi ẩm thấp bốc lên.
Theo một giáo viên của trường, sau khi được bàn giao, một số thầy cô thử làm quen với thiết bị này thì lộ ra nhiều bất cập như thiết bị quá hiện đại, giáo trình bằng tiếng Anh - đòi hỏi người sử dụng phải đạt một trình độ chuẩn tương đối.
Ngoài ra, hệ thống thiết bị này muốn sử dụng được cũng đòi hỏi phải có nhiều hệ thống hỗ trợ như phòng trang bị đạt đủ các điều kiện đi kèm, hệ thống bàn học đi kèm bộ thiết bị này quá cao so với chiều cao của học sinh THCS.
“Thiết bị này được cấp cuối năm và còn quá mới mẻ, trường đang cử giáo viên đi học mới có thể sử dụng được” - vị giáo viên này nói, đồng thời chia sẻ việc Sở GD-ĐT Gia Lai quan tâm, hỗ trợ nhà trường hệ thống phòng lab này là điều rất đáng mừng nhưng hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường còn rất nhiều thiếu thốn, cần được ưu tiên trước.
Tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Chư Prông), hệ thống máy móc cũng đang trong cảnh trùm mền. Những bộ máy chiếu, màn hình thông minh được đặt lạc lõng trong căn phòng cũ kỹ với những bộ bàn ghế xiêu vẹo, nền gạch dính đầy vết bùn đất. Hệ thống màn hình thông minh dù đưa về từ năm 2013 nhưng thời điểm chúng tôi đến, nhiều thiết bị vẫn còn nguyên trong hộp. Một màn hình tivi, hộp đựng màn hình laptop vẫn nguyên đai nguyên kiện, chưa được bóc ra khỏi hộp.
Cô Phạm Thị Kim Oanh - hiệu phó Trường tiểu học Lê Hồng Phong - cho biết do thiết bị rất phức tạp, giáo viên của trường chưa thể sử dụng được mặc dù đã có cán bộ đến hướng dẫn. Khi được hỏi về việc có cần thiết trang bị bộ màn hình thông minh này cho nhà trường trong khi trường vẫn chưa đủ phòng học cho học sinh, cô Oanh nói: “Về lâu dài thì chúng tôi nghĩ thiết bị này là cần thiết, nhưng hiện tại do chưa sử dụng ngày nào nên cũng chưa nói được gì”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các trường khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai như Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Kbang), Trường tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Ia Pa).
“Vừa làm vừa thí điểm”
Sắm cả đàn piano cho các trường vùng xa
Theo số liệu của HĐND tỉnh Gia Lai, ngoài hệ thống phòng lab, màn hình thông minh rất đắt tiền, việc đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học đã gây lãng phí vì học sinh không có nhu cầu. Ví dụ đàn piano được đưa về trường vùng xa nhưng các trường này lại không có phòng âm nhạc, hoặc trang bị nệm phục vụ môn thể dục nhảy xa cho học sinh tiểu học trong khi môn nhảy xa không có trong chương trình của học sinh tiểu học...
Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết đến nay sở đã trang bị tổng cộng 76 phòng lab phục vụ dạy học tiếng Anh với tổng kinh phí trên 28 tỉ đồng và 102 màn hình thông minh với tổng giá trị gần 21 tỉ đồng. Hệ thống màn hình thông minh này hoàn toàn mới, giáo viên có thể truy xuất dữ liệu cũng như giảng dạy trực tiếp trên hệ thống mà không cần sử dụng giáo án.
Lý giải về việc đầu tư nhiều hệ thống dạy học đắt tiền vào trường phổ thông, ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, nói: “Chúng tôi đang phải đi hai hàng để nâng cao chất lượng dạy và học: hàng ngang lẫn hàng dọc”.
Theo ông Thạch, “hàng ngang” là đầu tư đồng bộ, thiết thực hệ thống dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, còn “hàng dọc” là làm công tác vận động, phụ trợ để học sinh đến trường.
Ông Thạch nói thêm về dài hạn thì các thiết bị dạy học thông minh là rất cần thiết để giúp học sinh tiếp thu bài vở tốt hơn, tạo hứng thú, từ đó nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận khá nhiều hệ thống đầu tư máy móc, thiết bị có giá trị lớn nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả, nhiều nơi đang trùm mền.
“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm và đợt này đang triển khai đưa giáo viên các trường đi tập huấn để về sử dụng. Trước khi đưa thiết bị vào, chúng tôi cũng đã khảo sát nhu cầu rồi. Nhưng quá trình sử dụng có nảy sinh như thế nào thì khắc phục dần, vừa làm vừa thí điểm, nếu tốt thì tiếp tục, còn không có hiệu quả thì thu hồi và chuyển đổi qua các đơn vị khác. Cũng có một nguyên do khác khiến việc đưa thiết bị vào nhưng chưa được sử dụng là thời điểm cấp về các trường cuối năm học, nhà trường chưa sử dụng ngay được”.
THÁI BÁ DŨNG
Giáo viên đuối với công nghệ cao
Chừng 10 năm trở lại đây, giáo viên tiểu học ở TP.HCM phải làm việc rất cực nhọc trong công tác chuyên môn, nhiều người chạy như trối chết trong việc tự bồi dưỡng, học tập để trang bị nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy một cách căn bản. Nếu không, họ sẽ có nguy cơ bị đào thải khỏi ngành.
Trước hết là chuyện soạn giáo án. Nhiều trường bắt buộc giáo viên phải soạn bằng vi tính, như vậy giáo viên buộc lòng phải bỏ công sức, thời gian, tiền của đi học bằng A vi tính, trước hết do yêu cầu của ngành đặt ra, sau để tự phục vụ mình trong việc soạn bài.
Ngoài ra, bản thân giáo viên phải đầu tư mua sắm nguyên một bộ máy vi tính để soạn và in giáo án. Công việc mới này hơi quen thì bước vào công đoạn đổi mới giảng dạy, dạy học sinh bằng phương pháp tích cực.
Ngoài các phương pháp truyền thống đã học ở trường sư phạm, giáo viên phải làm quen với việc dạy có hỗ trợ công nghệ thông tin, đó là soạn giáo án điện tử để giảng dạy. Thế là giáo viên phải đi học để biết soạn bài có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh...
Rồi phòng giáo dục các quận huyện, các trường mở chuyên đề, hội giảng thường xuyên, liên tục cho giáo viên dự giờ học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi đều phải có “tiết mục” dạy bằng giáo án điện tử.
Các trường cũng đặt ra chỉ tiêu một năm giáo viên phải có bao nhiêu tiết dạy trên giáo án điện tử mới được đưa vào diện xét thi đua cuối năm. Thú thật việc dạy bằng giáo án điện tử này thật sự giúp cho tiết dạy của giáo viên nhẹ nhàng, thêm phần sinh động, nhưng thực tế đâu phải giáo viên nào cũng giỏi về công nghệ thông tin mà tự lên mạng tìm tư liệu phục vụ cho việc soạn bài. Cho nên trường bắt buộc dạy bằng giáo án điện tử thì họ mượn giáo án của giáo viên khác dạy, dẫn đến nhiều tình cảnh dở khóc dở cười.
Vì không phải giáo án của mình soạn nên nhiều khi bị lỗi, giáo viên lúng túng không biết điều chỉnh làm tiết dạy lủng củng, dở dang, rời rạc, không đạt yêu cầu...
Chưa hết, giáo viên còn được cử, mời dự giờ dạy bằng bảng tương tác để làm quen thêm công nghệ mới nữa. Dạy trên bảng tương tác là thoát ly hoàn toàn bảng đen phấn trắng theo truyền thống bao đời nay. Và đương nhiên, giáo viên lại phải “vật lộn” với công nghệ mới.
Bao lo lắng trăn trở chưa nguôi ngoai thì trước thềm khai giảng năm học mới 2014-2015 lại nghe Sở GD-ĐT TP.HCM bàn chuyện triển khai đề án sách giáo khoa điện tử với chi phí khoảng 4.000 tỉ đồng.
Theo thông tin được biết sách giáo khoa học sinh lớp 1, 2, 3 đã được số hóa, không hiểu đến năm học 2015-2016 thực hiện đổi mới nội dung sách giáo khoa thì số sách đã số hóa này sẽ như thế nào và năm học 2014-2015 nhiều trường ở TP.HCM áp dụng mô hình trường học mới dành cho học sinh lớp 2 thì sách này làm sao áp dụng? Sử dụng sách giáo khoa điện tử, học sinh khi đi học chỉ mang máy tính bảng nặng chừng mấy trăm gam không cần phải balô, cặp sách nặng nề; giáo viên và học sinh làm việc trên lớp chỉ cần dùng ngón tay “quẹt quẹt, chọt chọt” trên màn hình cảm ứng là xong.
Thoáng nghe, nhiều giáo viên tưởng việc dạy sẽ nhẹ nhàng sướng thân không còn cực khổ nữa, ai dè nỗi lo công nghệ lại rình rập sau lưng họ vì thực tế bản thân giáo viên có người còn chưa biết thao tác mở nguồn trên điện thoại có màn hình cảm ứng hay tự rút tiền qua ATM mà toàn nhờ người khác...
Không biết sau sách giáo khoa điện tử sẽ đến cái gì? Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão như hiện nay, giáo viên cứ phải mệt nhoài cắm đầu chạy theo công nghệ, lệ thuộc công nghệ mà nhiều lúc quên đi rằng chính mình mới là người quyết định trong việc hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập.
TRẦN VĂN TÁM
(Trường TH Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

2 người từ vùng dịch Ebola sốt khi nhập cảnh VN

Chiều 19/8, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện 2 hành khách quốc tịch người Nigeria bay từ Qatar tới Việt Nam có dấu hiệu sốt khi nhập cảnh.
Văn phòng đáp ứng khẩn cấp Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có thông báo khẩn về trường hợp hành khách người Nigeria có biểu hiện sốt khi nhập cảnh Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Xe lưu động 16 tỷ phòng chống dịch Ebola của VN

Để đối phó với các loại dịch bệnh, năm 2012 chính phủ Đức tài trợ Việt Nam hai hệ thống nhà xe lưu động tiêu độc, khử trùng. Mỗi hệ thống trị giá 800.000 USD.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng cho biết, hai hành khách này bay trên chuyến bay số hiệu QR964 của hãng hàng không Qatar Airway đi từ Qatar tới Việt Nam chiều ngày 19/8. Cả hai có quốc tịch người Nigeria (một trong bốn nước xảy ra dịch Ebola - PV), xuất cảnh từ Nigeria ngày 18/8 và ngồi số ghế 25B và 26D.
Khi nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, hai vị khách có biểu hiện sốt, ngoài ra chưa phát hiện có triệu chứng khác.
TS Phu cho biết thêm, để thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM và ngành y tế TP.HCM đã tiến hành các thủ tục xử lý, cách ly theo quy định.
Hiện, 2 hành khách trên đã được chuyển đến khu vực cách ly của bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để tiến hành cách ly, theo dõi, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, cả hai cũng được lấy mẫu máu xét nghiệm. Cục Y tế dự phòng, viện Pasteur TP.HCM cũng đã phối hợp với Văn phòng tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam để gửi mẫu đi xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng đề nghị những hành khách đi cùng chuyến bay ngồi trên các ghế số 24, 25, 26, 27 của chuyến bay QR964 ngày 19/8 chủ động đến các cơ sở y tế nơi gần nhất hoặc liên hệ với số điện thoại 0989.671.115 để được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sức khỏe.
Danh sách các hành khách ngồi trên các số ghế trên cũng được gửi cho các địa phương để tiếp tục theo dõi.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe của hai hành khách nêu trên và kịp thời thông báo những thông tin tiếp theo.
Tính đến ngày 13/8, tích lũy từ đầu vụ dịch đến nay, tại 4 quốc gia Tây phi ghi nhận tổng cộng 2.127 trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có 1.145 tử vong. Nigeria có 12 người mắc và 4 đã tử vong.

Trực tiếp xem chặn dịch Ebola tại Tân Sơn Nhất

Nhiều khả năng hiểm họa Ebola sẽ xâm nhập vào Việt Nam qua đường hàng không. Vậy, công tác chặn dịch đã được triển khai thế nào tại các sân bay?

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Chuyện chưa kể của Hồng Nhung

Băng qua thời gian, tiếng hát của Hồng Nhung là bánh xe lăn dài, kéo người nghe quay về những ký ức diệu vợi. Tiếng hát của một cô gái đến từ Hà Nội, ở tuổi đôi mươi và dựng nên một kỳ tích sân khấu, mà trải qua rất nhiều năm, những người yêu âm nhạc bất chợt nhận ra rằng không phải thế hệ nghệ sĩ nào cũng có được. Những gì của từng thập niên mà Hồng Nhung dựng nên trong hành trình nghệ thuật của mình cho thấy cô vẫn đang miệt mài và mỗi lúc lại chắc chắn hơn, sâu sắc hơn trong điềm tĩnh.
Trong thế giới nhạc Trịnh
Nhiều năm trước, khi được hỏi về Hồng Nhung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn im lặng ít lâu, rồi nói thận trọng: “Dynamic. Đó là một giọng ca dynamic (tạm dịch: năng động)”. Với Trịnh Công Sơn, chữ nghĩa không là điều khó với ông, nhưng để diễn tả một cô gái trẻ và giọng hát đầy năng lượng, biểu đạt một phong cách khác mới mẻ trên nền âm nhạc tưởng chừng như bất di của ông thì quả không dễ. Nếu hiểu đúng ý của ông, có lẽ đó là sự miêu tả về một dòng năng lượng trong tiếng hát, chuyển động và trẻ trung. Và riêng với ông, đó là cánh cửa hé mở đầy những bất ngờ.
Hồng Nhung xuất hiện như vậy đó, giữa Sài Gòn, thách thức những lối thưởng thức đã định hình và chấp nhận những phản bác để tạo ra một không gian mới trong nhạc Trịnh. Và nhiều năm sau. Khi ngồi lắng nghe lại, chẳng hạn như cùng một Đóa hoa vô thường của Khánh Ly (năm 1973) cho đến Hồng Nhung (năm 2004) là cả một sự khác biệt thú vị. Những người quen lối thong thả với Khánh Ly ắt sẽ khó chịu với bản ghi âm nhiều nhịp điệu của Hồng Nhung, nhưng rõ ràng đó là một cánh cửa khác, đi vào một thế giới khác. Và trải qua hơn một thập niên, Hồng Nhung đã đứng vững và có một lớp khán giả nhìn nhận, yêu mến mình từ những sự cách tân trình bày đó.
Thời gian cũng đủ để trả lời. Có hai giọng hát trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã mở ra hai thế giới, mở ra hai cánh cửa âm nhạc rung động xuyên qua thế kỷ, đáng để ghi vào trong đời ông: đó là Khánh Ly và Hồng Nhung. Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh đã có rất nhiều người đến, thử đắm mình trong đó, nhưng cuối cùng thì ấn tượng dài lâu có lẽ vẫn là hai cái tên Khánh Ly và Hồng Nhung.
Trong trái tim khán giả, sau năm 1975 ít người chấp nhận việc có một giọng hát mới ngoài Khánh Ly, với nhạc Trịnh Công Sơn. Và Hồng Nhung bước vào cuộc thử thách này không chỉ với khán giả, mà với cả người đi trước trong nghề nghiệp. Hồng Nhung kể rằng lần đầu tiên cô trực tiếp nói chuyện với ca sĩ Khánh Ly là vào năm cô 23 tuổi. “Lúc đó tôi đang ở nhà anh Sơn, và chị gọi điện về từ Mỹ để trò chuyện với anh, và anh giới thiệu tôi với chị. Anh gọi chị thân mật là Mai. “Mai có biết Hồng Nhung không?”. Anh Sơn đưa điện thoại cho tôi. Tôi chẳng nói được gì nhiều ngoài mấy lời thăm hỏi chị, vì quá xúc động, lần đầu được nghe giọng nói của người ca sĩ với tôi là huyền thoại âm nhạc của Việt Nam” - Hồng Nhung kể lại một cách chân thành.
Có lẽ khoảng cách tuổi tác và độ vững chãi trong nghề nghiệp đối với ca sĩ Khánh Ly đã khiến Hồng Nhung im lặng nỗ lực vượt bậc để tạo nên một phong cách âm nhạc riêng của mình, trong thế giới Trịnh Công Sơn. Giờ đây ngồi nghe lại Hồng Nhung, ngẫm lại những gì trong quá khứ cô đã trình bày: có những thứ đôi khi còn thiếu một chút để thật sự là một người đàn bà hát tình ca, có những thứ dư một chút để điềm tĩnh với một nghệ sĩ, hát chỉ cần linh hồn mà không cần ngôn ngữ. Nhưng tất cả những thứ đó rõ là đã được chắt lọc, đã được trải nghiệm để có một Hồng Nhung của ngày hôm nay. Một Hồng Nhung đã chín muồi trong cảm nhận và sâu hơn trong diễn đạt - dĩ nhiên, đó là một hành trình có đủ buồn vui, chạnh lòng hay ngại ngùng.
Ảnh: T.T.D.
“Tôi không sinh ra với chiếc thìa bạc”
Năm 1996, có lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thoáng nghĩ vài giây khi nghe tôi hỏi rằng cho tới giờ phút này, ông thấy ai là người hát những bài hát của mình thành công nhất, làm ông hài lòng nhất. “Vẫn là Khánh Ly, đó là giọng ca khi từ đầu gặp nhau cô đã am hiểu một cách tường tận những gì mình viết” - Trịnh Công Sơn nói.
Bài báo sau đó được viết và đưa thẳng vào nhà in. Ngay sau khi báo ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm đến, giọng bối rối. “Mình thấy Nhung đọc bài báo mặt có vẻ buồn. Mình cũng sơ suất quá khi không nhắc gì đến Nhung cả” - ông nói.
Chẳng còn cách nào khác, báo đã ra. “Chúng ta nói về câu chuyện của những gì đã có, còn Nhung là câu chuyện của hôm nay và ngày mai. Rồi sẽ đến lúc Nhung là đề tài chính của câu chuyện mới” - tôi an ủi ông. Tuy vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng xao xuyến một lúc lâu. Mặt ông như một đứa trẻ ân hận, bất ngờ khi thấy mình đã làm mất lòng một ai trong ngõ nhà.
Nhưng thử nghĩ lại mà xem, cũng đáng buồn khi mọi nỗ lực của mình không được nhắc đến. Trịnh Công Sơn đã rất tâm lý và nhạy cảm để thấy được điều này. Với một cô gái trẻ, đang làm tất cả để chứng minh mình, đang cần những bàn tay nâng đỡ vào những lúc đầy thách thức và khó khăn nhất, hoàn toàn không lạ nếu như cô hụt hẫng như vậy. Đặc biệt, ngay lúc ấy, không ít những lời đồn đoán ác miệng rằng Hồng Nhung có thể không thích Khánh Ly vì cái bóng của người nghệ sĩ ấy quá lớn, nhất là trong hành trình mới của Trịnh Công Sơn, dường như đang chỉ cần một ca sĩ và một nhạc sĩ.
Hồng Nhung chẳng bao giờ tìm cách thanh minh về những điều đó. Như lời tâm sự của mình, Nhung nói: “Tôi không được “sinh ra cùng với cái thìa bạc”, tôi học cách sống tự lập từ nhỏ”. Mỗi lúc như vậy, Hồng Nhung lại lớn lên, lại vững hơn. Bản năng nghệ sĩ trong con người Nhung giúp cô hấp thu mọi chướng ngại trên cuộc đời, khiến cô sâu sắc hơn trong từng con chữ hát ra về sau. “Tôi không trở thành người khác mà chỉ trưởng thành dần cùng kinh nghiệm sống” - Hồng Nhung nói.
Hành trình đến vô cùng
Khi hỏi về những bài hát của mình đang trình diễn gần đây, Hồng Nhung cho biết trong năm bài hát mà cô trình bày chỉ có hai bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn lại là những bài khác. Cuộc sống vẫn trôi và Hồng Nhung như đang mở ra một ngả khác cho đời mình, đa dạng hơn và rộng hơn. “Tôi ở giai đoạn của người phụ nữ sống cho gia đình và các con nhỏ. Với sự nghiệp, tôi tiếp tục học hỏi và hi vọng cho ra được những sản phẩm âm nhạc mà mình tâm huyết. Trong năm nay, tôi cùng Thanh Bùi sẽ ra single mà chúng tôi đang dành nhiều thời gian xây dựng” - Hồng Nhung kể.
Bản năng nghệ sĩ với hành trình vô tận của mình đang thúc đẩy Hồng Nhung làm mới mình, làm những điều khác, có thể là chấp nhận những thách thức mới, cô đơn hơn nhưng bản lĩnh hơn so với lúc cô ở tuổi đôi mươi.
Hồng Nhung trả lời không do dự khi được hỏi rằng giả như cô không gặp Trịnh Công Sơn thì Hồng Nhung ngày đầu sẽ ra sao. Liệu có khi nào cô đã lẫn lộn việc chọn lựa âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa một cứu cánh của sự nghiệp và tình yêu không? “Tôi chỉ biết mình rất yêu âm nhạc và quyết sống với nó, nên không còn sức hay thời gian để nghĩ xem đó là cứu cánh hay là tình yêu, và dù sao nơi đó cũng đem lại nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn” - Nhung nói.
Chỉ có những trái tim đầy nghệ sĩ mới liều lĩnh lao vào định mệnh mà không cần suy xét vì sự đam mê của mình. Hồng Nhung cũng vậy. Một trái tim âm nhạc đầy “dynamic” - như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - vẫn không thôi tìm mở những cánh cửa mới cho hành trình về vô cùng của mình, bất chấp đó là hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại. Trải qua rất nhiều năm tháng, ngay khi sân khấu buồn tẻ, những kẻ bất tài chiếm trọn chương trình, cũng là lúc để khán giả lắng mình nhìn lại, rồi chợt nhận ra những nghệ sĩ đích thực. Đi ngược chiều với sự ồn ào cố ý, với những tiểu xảo thay khả năng, những người nghệ sĩ đó vẫn thầm lặng làm công việc của mình, ý thức rõ cuộc đời là gì hơn là đeo đuổi ít phút giây của hư ảo.
“Tôi yêu âm nhạc và may mắn có thể sống được bằng việc ca hát, và vì thế được gọi là một ca sĩ chuyên nghiệp. Cuộc sống của tôi gắn liền với sự nghiệp ca hát” - cô ca sĩ nhỏ bé ngơ ngác ngày nào, nay chỉ đơn giản nói vậy, chỉ vậy thôi.
TUẤN KHANH
Những lần lưu diễn sang Mỹ, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, là dịp để Hồng Nhung gặp mặt ca sĩ Khánh Ly. Hai con người - một dòng nhạc. Họ nhìn nhau và cảm nhận được rất nhiều thứ, nhất là khi chỗ dựa lớn trong tinh thần của họ là người nhạc sĩ đã không còn.
Vào lúc đó, Nhung kể rằng trước khi ra hát, “chị còn ân cần cho tôi những lời khuyên về cách chọn bài hát của anh Sơn ra trình diễn sao cho hiệu quả”. Nhung nói cô thú vị khi phát hiện thói quen mỗi ngày của chị Khánh Ly là đọc sách, tương tự như Nhung vậy. Mọi thứ rút ra được trong cuộc đời con chữ và suy ngẫm. “Cuộc sống vốn giản dị. Tôi nghĩ âm nhạc cũng vậy thôi. Điều may mắn của tôi là được gặp gỡ những con người, mà theo từ của anh Sơn là “vô thường”, mà chị Khánh Ly là một trong số họ” - Nhung kể lại.
Con bống nhỏ lạc giữa hồ Tây
Bống - Hồng Nhung không may mắn như một đứa trẻ bình thường hạnh phúc. Bố mẹ ly hôn sớm, khi Bống mới sinh ra không lâu. Con bé bé bằng cái chai, chuồi vào cuộc đời rợn ngợp mênh mông như con cá bống nhỏ bơi lạc giữa hồ Tây, khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa mẹ. Cha Bống, dịch giả tiếng Anh Lê Văn Viện, đã nuôi con theo cách dân gian là nuôi bộ (không có sữa mẹ) và được bà nội Bống tận tình... giải cứu con trai đang lâm tình huống nhọc nhằn.
Bống còn được ông nội - họa sĩ Lê Văn Ngoạn, thuộc lứa tài năng của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - rất yêu chiều cưu mang, với tình yêu con đầu cháu sớm (Bống là cháu gái đầu, con của con trai duy nhất của ông nội). Bạn bè cha Bống ai cũng sẵn lòng thương quý con Bống nhỏ nhoi, thiếu hơi ấm mẹ từ lọt lòng, nên ai cũng coi Bống như con cháu trong nhà...
Bống kể có lần thu thanh ca khúc về mẹ của Trịnh Công Sơn, cả nhạc sĩ và ca sĩ đều không cầm nổi nước mắt khi Bống nghẹn ngào hát: Trong khi con nằm mẹ bỏ con đi, mẹ bỏ con đi... Dù mẹ bỏ con mỗi người mỗi cảnh, mỗi cây mỗi hoa. Và ở Hà Nội, Bống lần đầu hát tiếng Anh bài Papa, cả cha Bống và bạn hữu đều rơi lệ...
Tính cách riêng của Bống hình thành ngay trong khung cảnh Hà Nội thời bấy giờ, pha trộn, giao thoa giữa thời chiến và thời bình những năm 1970-1980. Ở số nhà 11 Điện Biên Phủ, Q.Ba Đình những ngày ấy đã thật êm đềm, trong vòng vây yêu thương của ông bà nội, của cha và cả bạn bè thân hữu của cha, đã tạo tác nơi Bống - Hồng Nhung một tính cách độc lập, biết giấu thật kín nỗi đau riêng, đầy âm tính, dưới bề ngoài thật mạnh mẽ, hài hước, lịch lãm, nghiêng về dương tính. Những lý do số phận riêng tư ấy đã đưa đẩy Bống theo cha vào Sài Gòn lập nghiệp từ tuổi 20, đủ xui khiến Bống - Hồng Nhung gặp gỡ định mệnh với Trịnh Công Sơn, hạnh ngộ huy hoàng với âm nhạc của ông, vừa đủ để đong đầy một cuộc cách mạng hát Trịnh Công Sơn sau Khánh Ly, với cách hát khác và những giọt nước mắt khác. (Thơ Olga Bergholz - Nga: Em khóc khác xưa rồi/Hát cũng khác xưa theo).
Tất nhiên với tính cách của một ca sĩ rất chuyên nghiệp, Bống đã hát rất hay những ca khúc của các nhạc sĩ khác, như Văn Cao, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Dương Thụ, Phú Quang... Hồng Nhung đủ tinh khôn và tinh tế để hiểu rằng những ca khúc hay của các nhạc sĩ bậc thầy ấy phải được xử lý một cách hay nhất là phải hát thật rõ tình và rõ lời, bằng một chất giọng Hà Nội thật sang trọng, hào hoa và phong nhã.
...Vào TP.HCM, tôi gọi điện hẹn xuống chơi với vợ chồng Bống - Kevin (theo thú nhận của Bống, “đấy là một “chàng chồng” người Mỹ rất dễ thương của cháu”) cùng hai bé sinh đôi Tôm, Tép gần 3 tuổi, đủ cả nếp cả tẻ. Rộn ràng kể chuyện con gái con trai, Bống cười khanh khách giòn tan, bảo tôi: “Cháu chẳng thể bỏ con đi đâu lâu, ra Hà Nội hát, rét mướt cũng tha con theo cô ạ”.
Mừng Bống đang ngọt ngào hạnh phúc với chồng con trong “khu vườn yên tĩnh” đầy hoa lá cỏ cây ở Thảo Điền, Q.2, ngay cạnh Trường ĐH Văn hóa nơi tôi dạy học hồi còn định cư ở TP.HCM. Khi đó, tôi từng là người nhà của Bống...
NGUYỄN THỊ MINH THÁ

Phim về Kim Jong Un phải thay đổi vì áp lực

Hollywood Repoter cho biết Sony Pictures sẽ dùng kỹ thuật số để thay đổi hình ảnh về hàng ngàn khuy áo của các nhân vật trọng phim The Interview bởi vì chúng miêu tả đúng thực tế trên quân phục của quân đội Triều Tiên.
Ngoài ra hãng Sony Pictures cũng xem xét cắt cảnh có gương mặt của một nhân vật đang tan chảy trong một pha quay chậm vì nhân vật này được cho là ám chỉ đến chủ tịch đương nhiệm của Triều Tiên -Kim Jong Un.
Trước đó khi thông tin và trailer bộ phim xuất hiện, chính quyền Triều Tiên lên án rằng "cho phép sản xuất và phát hành bộ phim về việc ám sát một người đứng đầu của một đất nước được xem là một hành động ủng hộ khủng bố rõ ràng nhất cũng như là một hành động của chiến tranh".
Triều Tiên cũng gửi thư kiến nghị đến Liên Hiệp Quốc để phản đối vì cho rằng bộ phim đã lăng nhục lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng yêu cầu tổng thống Mỹ Obama cấm phát hành The Interview.
Triều Tiên cũng cho rằng ý tưởng và nội dung của bộ phim thể hiện sự tuyệt vọng của chính quyền Mỹ và xã hội Mỹ (mặc dù thực tế 2 đạo diễn của bộ phim Seth Rogen và Evan Goldberg là người Canada). Triều Tiên cũng dọa sẽ trả đũa thích đáng nếu Mỹ cho phép phát hành bộ phim.
Được biết hãng Sony Pictures cũng đã dời ngày ra mắt bộ phim vào tháng 10 sang 25-12.
 Seth Rogen và James Franco trong bộ phim The Interview - Ảnh: Hollywood Repoter
Bộ phim hình sự hài The Interview có sự tham gia của ngôi sao Seth Rogen và James Franco, nói về 2 nhà báo Mỹ đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Kim Jong Un và sau đó được CIA tuyển mộ để ám sát vị lãnh đạo này của Triều Tiên.
N.XUÂN (Theo Hollywood Repoter)

Thương xá Tax xả hàng đóng cửa, người mua đông nghịt

Không khí mua sắm rất nhộn nhịp. Người dân đến đông khiến nhà xe thương xá Tax không còn chỗ gửi và buộc đóng cửa không nhận thêm.
Tại khu vực sảnh chính, hàng ngàn người chen nhau mua sắm. Phần lớn mặt hàng giảm giá từ 20-50% là các sản phẩm lưu niệm, quần áo, các loại khăn và một số mặt hàng giày dép. 
Các hộ kinh doanh tại thương xá Tax đua nhau “xả hàng” vì nơi này phải giao trả lại mặt bằng trước ngày 1-10 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM để Ban Quản lý đường sắt đô thị để thi công tháp thông gió Ga Nhà hát thành phố của tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). 
Đến 12 trưa, không khí mua sắm tại thương xá Tax vẫn diễn ra tấp nập.
Khu vực sảnh chính thương xá Tax tập trung hàng ngàn người đến mua sắm. Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều mặt hàng tại đây giảm giá đến 50%. Ảnh: Hữu Khoa
Giày dép cũng giảm giá đến 50%. Ảnh: Hữu Khoa
Quần áo là mặc hàng mà người dân chọn mua nhiều nhất
Giờ nghỉ trưa, thương xá Tax vãn chật kín người mua sắm. Ảnh: Hữu Khoa
Đồ thủ công mỹ nghệ như quạt nan, quạt gỗ, đồ chạm khảm được giảm giá mạnh để xả hàng. Ảnh: Hữu Khoa
 HỮU KHOA

Giá nhà sẽ biến động sau lệnh cấm xây dự án nhà tại nội đô Hà Nội

Nhiều chuyên gia nhận định, lệnh cấm xây dựng nhà ở thương mại khu nội đô Hà Nội do Chính phủ ban hành sẽ tác động đến giá bán căn hộ tại khu vực này trong thời gian tới.

Theo quy định mới được ban hành của Chính phủ, Hà Nội sẽ phải tạm dừng phát triển nhà ở trong khu vực nội đô lịch sử đối với các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư dự án.
Việc tạm dừng dự án trong nội đô nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng, giảm quy mô dân số. Xong, nó cũng góp phần tác động về nguồn cung và giá nhà ở tại các quận nội đô của Hà Nội.
Giá nhà tại Hà Nội sẽ có biến động sau lệnh cấm xây dựng dự án tại khu vực nội đô
Giá nhà tại Hà Nội sẽ có biến động sau lệnh cấm xây dựng dự án tại khu vực nội đô
Ông Lê Minh Dũng, Giám đốc CBRE cho biết, nguồn cung căn hộ mới trong bốn quận nội thành có thể đến từ các dự án đã được phê duyệt từ trước, nhưng chưa thi công; dự án khởi công, nhưng tạm dừng nay khởi động lại. Trước khi có Quyết định dừng dự án nhà ở thương mại, số dự án này cũng không nhiều. Vì vậy, nguồn cung mới trong hai năm tới, nếu được triển khai, dự kiến cũng sẽ hạn chế.
Giá bán căn hộ tuân theo quy luật cung cầu và do sẽ không có thêm nguồn cung mới trong ít nhất hai năm nữa (trừ dự án đã cấp phép), nên giá bán của các dự án trong 4 quận nội thành có thể tăng trở lại do người mua đang dần quay lại thị trường và các dự án có vị trí tốt luôn trong tầm ngắm của họ.
Ông Dũng khẳng định: “Các dự án tại khu trung tâm trong thời gian vừa qua vẫn duy trì mức giá khá cao mặc dù thị trường trầm lắng. Các căn hộ tại vị trí trung tâm thuận tiện vẫn luôn được nhiều người ưa chuộng".
(Theo VnMedia)

Sẽ cấp sổ đỏ cho dự án nhà ở vi phạm xây vượt tầng tại Hà Nội

TP.Hà Nội sẽ vẫn cấp sổ đỏ cho người mua nhà đồng thời có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư vi phạm xây vượt tầng. Đó là thông tin do ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cung cấp.

Chính sách này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà trong trường hợp dự án nhà ở xây vượt tầng, chưa được cấp phép. Cũng theo ông Nghĩa, để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho nhà dự án, Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội phải có trách nhiệm tiếp nhận hết hồ sơ của doanh nghiệp và người dân nộp lên, kể cả hồ sơ bị thiếu giấy tờ, có thể bổ sung sau.
Trước băn khoăn, cơ quan chức năng sẽ cấp sổ đỏ theo cách tính diện tích nào khi trước đây hợp đồng ghi cách tính từ tim tường, trong khi Thông tư 03/2014/TT-BXD, ngày 20/2/2014 của Bộ Xây dựng đã thống nhất cách tính diện tích sử dụng căn hộ theo thông thủy? Ông Nghĩa cho biết, cơ quan chức năng sẽ cấp sổ đỏ theo diện tích được ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở, chứ không quan tâm đến diện tích ghi trong đó là thông thủy hay tim tường.
Về việc ghi tên người đứng tên sổ đỏ, ông Nghĩa cho biết hợp đồng mua bán căn hộ chỉ đứng tên một người là vợ hoặc chồng ký trước ngày 1/7/2014. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng cũng chỉ cấp sổ đỏ cho người đứng tên trên hợp đồng, trừ khi chủ hợp đồng có yêu cầu bổ sung thêm vợ hoặc chồng cùng sở hữu nhà.
TP.Hà Nội chỉ cấp sổ đỏ theo diện tích được ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở.
Đối với các hợp đồng mua bán nhà ký sau ngày 1/7/2014, khi Luật Đất đai 2013 đã có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ cấp sổ đỏ cho cả hai vợ chồng, bởi luật mới đã có hướng dẫn.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng đã yêu cầu các ngành chức năng có chế tài mạnh với những chủ đầu tư gây khó khăn cho người mua nhà dự án khi làm thủ tục cấp sổ đỏ.
Trong trường hợp nếu các chủ đầu tư không hợp tác, sẽ lập danh sách, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư dự án. Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm và lập hồ sơ quản lý để làm căn cứ không xem xét giao đất, cho thuê đất các dự án khác.
Đối với các hồ sơ cấp sổ đỏ đã được Văn phòng Đăng ký Đất đai thẩm định, đã chuyển UBND các quận, huyện, thị xã trước ngày 5/8, thì UBND các quận, huyện, thị xã ký cấp sổ đỏ xong trước ngày 31/8.
Sau thời điểm trên, nếu không giải quyết xong hồ sơ, UBND các quận, huyện, thị xã chuyển trả lại Văn phòng Đăng ký Đất đai để báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan trong việc chậm giải quyết cấp sổ đỏ.
(Theo Vietnam+)

Pages

Sample text

Được tạo bởi Blogger.

Ads 468x60px

Social Icons

Followers

Featured Posts

 

© 2013 TIN TỨC ONLINE. All rights resevered. Designed by Templateism

Back To Top